KẺ THÙ CỦA NGƯỜI LÃNH ĐẠO

0
162

Kẻ thù nguy hiểm nhất của một người lãnh đạo là chính mình. Chính xác thịt và bản chất tội lỗi cư ngụ trong chúng ta là một kẻ thù tàn ác và giả dối. So với kẻ thù này, những kẻ thù bên ngoài của chúng ta dễ dàng chiến thắng hơn rất nhiều.

1. Cạm Bẫy Chính Của Người Lãnh Đạo

Hai lĩnh vực tội lỗi thường là nguyên nhân sa ngã của hầu hết những người lãnh đạo đó là: Tiền (sự ham muốn giàu có), và Địa vị, danh vọng (kiêu ngạo). “Chớ yêu thế gian cũng đừng yêu các vật ở thế gian, nếu ai yêu thế gian thì sự kính mến Đức Chúa Cha chẳng ở trong người ấy. Vì mọi sự trong thế gian như sự mê tham của mắt, sự mê tham của xác thịt, và sự kiêu ngạo của đời đều chẳng từ Cha mà đến nhưng từ thế gian mà ra.” (Giăng 2 : 15,16).

Không một ai được miễn trừ khỏi phạm tội này. Rất nhiều người lãnh đạo Cơ Đốc đã thất bại bởi những tội này. Một người lãnh đạo khôn ngoan biết rằng nếu họ không luôn luôn tập luyện sự kiềm chế, họ có thể rơi vào những cạm bẫy này.

Theo IGiăng 2:15, thiếu sự kính mến Đức Chúa Cha sẽ làm cho lòng yêu mến thế gian tăng lên. Nếu bạn đang ở trong chức vụ lãnh đạo, sự thiếu kém này làm cho bạn dễ bị tấn công vô cùng vào những lãnh vực này. Một sự huấn luyện và chuẩn bị thích đáng cho chức vụ lãnh đạo phải gồm sự phát triển lòng tin cậy tuyệt đối vào Đức Chúa Trời và lời của Ngài. Nếu bạn bước đi trong đức tín, bạn sẽ được an toàn. Bạn sẽ có khả năng tránh được cạm bẫy của tội lỗi về lòng tham lam và sự kiêu ngạo. Hai lãnh vực tội lỗi này xuất phát từ tấm lòng bất an (thiếu đức tin và sự tin cậy nơi Chúa).

a. Tham lam

Sự tham lam (ham mê tiền bạc) bắt nguồn từ việc nghi ngờ sự cung cấp của Đức Chúa Trời. Là một người lãnh đạo thuộc linh, bạn phải: ” … trước hết hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài.” Nếu bạn làm như vậy, Chúa Jêsus phán: “thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa.”

Đức Chúa Trời sẽ ban cho bạn thức ăn, quần áo, sức khỏe, nhà cửa và các phương tiện khác nếu bạn giữ theo nguyên tắc về sự thịnh vượng trong Kinh Thánh. Nguyên tắc này là: “ Hãy ban cho các ngươi sẽ được ban lại.” (Luca 6:38)

Học biết ban cho (dâng hiến)

Bạn sẽ không kinh nghiệm được sự ban cho của Đức Chúa Trời cho đến khi bạn biết dâng cho Ngài 1/10 lợi tức của bạn. Bạn sẽ bẻ gẫy sự nghèo khổ bằng cách dâng 1/10 tất cả những gì Đức Chúa Trời ban cho bạn. Vì Đức Chúa Trời hứa rằng: “Ta sẽ mở các cửa sổ trên trời cho các ngươi, đổ phước cho các người đến nỗi không chỗ chứa chăng.” (Malachi 3 : 7-11).

Sự dâng hiến cho Đức Chúa Trời sẽ xóa đi lòng ham mê tiền bạc. Thực hiện điều này thường xuyên sẽ giúp bạn tránh được nhiều nỗi hối tiếc, đem bạn ra khỏi sự nghèo đói.

b. Kiêu ngạo

Kiêu ngạo là kết quả của sự nghi ngờ về sự kêu gọi của bạn và giá trị của chính bạn. Kiêu ngạo là một thất bại dễ thấy nhất. Nhưng kiêu ngạo cũng là điều khó nhìn thấy nhất khi chúng ta tự nhìn chính mình. Nó được biểu lộ bằng một thái độ kiêu hãnh, khoe khoang. Khoe khoang chứng tỏ cho sự thiếu tự tin của mình.

Một người với một chức vụ kết quả không bao giờ khoe khoang về nó. “Hãy để cho kẻ khác khen ngợi con, miệng con chẳng nên làm” (Châm 27 : 2). Ví dụ, nếu một người cảm thấy mình cần phải thông báo rằng mình là một sứ đồ, điều đó có nghĩa là ông ta nghi ngờ về chính mình rằng có lẽ những người khác sẽ không nghĩ chính ông là một số đồ trừ phi chính ông nói ra điều đó. Khoe khoang là bằng chứng dễ thấy của một người đầy sự kiêu ngạo và nghi ngờ.

Một Đầy Tớ Không Phải Một Ông Chủ

“Tôi gởi lời khuyên nhủ này cho các bậc trưởng lão trong anh em … đừng áp chế ai, nhưng hãy làm gương tốt cho họ noi theo (I Phi-e-rơ 5 : 1-3). Những người lãnh đạo chân chính không phải là những ông chủ. Họ là những tôi tớ của dân sự Đức Chúa Trời. Chức vụ lãnh đạo trong Hội Thánh không phải là chức vụ của những ông chủ, nhưng là chức vụ của những kẻ tôi tớ thấp hèn. Sự chuẩn bị của Đức Chúa Trời là dạy dỗ chúng ta có thái độ của một đầy tớ.

Chúa Jesus là một người khiếm nhu hạ mình nhất trong tất cả mọi người. Giống Chúa Jesus, một người lãnh đạo chân chính sẽ không tránh né những công việc nhất định vì họ cảm thấy đó là những công việc làm hạ phẩm giá lãnh đạo cao sang của họ. Một người lãnh đạo vững vàng sẽ không bị đe dọa khi phải làm những công việc tầm thường hay những trách nhiệm khiêm tốn.

PhaoLô đã viết về Chúa Jesus rằng: “Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời nhưng chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ Chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ, trở nên giống như loài người Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự” (Phi-líp 2 : 6-8).

Chúa Jêsus đã không rúng động trong thân phận con người của Ngài, Ngài đã không cần phải tự tôn vinh mình. Giăng đoạn 13 làm cho điều này rõ hơn: “Đức Chúa Jêsus biết rằng Cha đã giao phó mọi sự trong tay mình, và mình đã từ Đức Chúa Trời đến, cũng sẽ về với Đức Chúa Trời, nên đứng dậy khỏi bàn, cởi áo ra, lấy khăn quấn ngang lưng mình, Kế đó Ngài đổ nước vào chậu, và rửa chân cho môn đồ, lại lấy khăn mình đã quấn mà lau chơn cho” (câu 3-5), Hãy lưu ý chữ “ biết.”

Chúa Jêsus đã biết Ngài là ai nhưng Ngài đã làm công việc thấp hèn nhất mà không mất đi “hình ảnh của một người lãnh đạo vĩ đại.” Ngược lại, ngày nay nhiều người lãnh đạo thường hành động một cách khoe khoang bằng những hình thức bên ngoài.
Rửa chơn cho người khác là công việc hèn hạ nhất theo phong tục trong thời Chúa Jêsus. Đó là công việc của người nô lệ.

Trong thời Chúa Jêsus, người nô lệ rửa chơn cho khách để tỏ lòng hiếu khách. Rửa chơn là một trách nhiệm không mấy được ưa thích. Đường xá rất dơ bẩn như những rác rưởi trên đường thì muôn lần dơ bẩn hơn. Phương tiện đi lại của thời ấy là lạc đà, lừa, ngựa và con la. Chỉ cần một chút tưởng tượng cũng biết được những con đường thời đó dơ bẩn như thế nào.

Bàn chân của những người lữ hành bám đầy phân súc vật cũng như bụi bặm. Tục lệ rửa chơn được dành cho những tên nô lệ thấp hèn nhất. Công việc này được nghĩ rằng sẽ làm tăng phẩm giá của “những vị khách quí.” Tuy nhiên, đây chính là công việc mà Chúa của chúng ta đã hạ mình xuống và thực hiện. Những phản ứng quyết liệt của môn đồ là hoàn toàn dễ hiểu. Làm sao Chúa Jêsus có thể làm những việc như vậy? Làm sao Ngài, Chúa và Vua của họ, lại có thể đi rửa chơn cho các môn đệ của Ngài?

Ngài có thể làm như vậy bởi vì Ngài biết rõ mình là ai, Ngài biết Cha đã giao phó hết thảy mọi việc trong tay mình. Ngài biết rõ Ngài đến từ Cha và Ngài là con Đức Chúa Trời cũng như là Đấng Mê-si-a đã được phán hứa. Ngài biết mình sẽ trở về cùng Cha sau khi Ngài chiến thắng tội lỗi, sự chết âm phủ và mồ mả. Ngài không cần phải chứng minh cho những người khác mình là ai. Cuộc đời của Ngài đã chứng minh Ngài là ai cho tất cả những ai có sự nhận thức thuộc linh.

Không Có Công Việc Nào Là Quá Thấp Hèn

Một người không được chuẩn bị để làm những việc thấp hèn nhất, người đó cũng không được chuẩn bị cho chức vụ lãnh đạo. Nếu bạn nghĩ rằng những công việc thấp hèn như thể làm mất phẩm giá của bạn, thì bạn đã không hiểu hết mục đích của chức vụ lãnh đạo. Nếu bạn không tin cậy Đức Chúa Trời cách vững vàng, ma quỉ sẽ dễ dàng hất bạn ra khỏi chức vụ lãnh đạo.

Một người lãnh đạo phải sẵn sàng cúi xuống trước các “môn đệ” của mình, rửa chơn cho họ nếu như người đó muốn trở nên giống như Chúa Jêsus. Biết chắc mình là con của Đức Chúa Trời, Chúa Jêsus đã phục vụ mọi người mà không hề sợ hãi. Điều này trái ngược với thái độ yêu mến địa vị của những người lãnh đạo xác thịt chưa trưởng thành.

Hãy Tìm Kiếm Trách Nhiệm

Có người đã nói rằng: “Nếu bạn nhìn thấy một người đang tìm kiếm quyền lực, hãy coi chừng ông ta, ông ta sẽ gây nên những rắc rối. Nếu bạn nhìn thấy một người đang tìm kiếm một trách nhiệm hãy cất nhắc ông ta, ông ta sẽ đem đến nhiều phước hạnh.” Chúng ta phải tìm kiếm trách nhiệm, không phải quyền lực.

Trong chức vụ lãnh đạo trong Hội Thánh, lòng yêu mến địa vị đã phá đổ nhiều người lãnh đạo, PhaoLô viết: “ví bằng có kẻ ưa muốn được làm Giám mục ấy là ưa muốn một việc tốt lành.” Tuy nhiên nếu mong ước của bạn là địa vị và quyền lực chứ không phải trách nhiệm, chắc chắn bạn sẽ sa ngã như satan đã từng sa ngã. Người lãnh đạo trong Hội Thánh phải chiến thắng sự kiêu ngạo còn cư ngụ trong họ, (Rôma 7 : 14-24), bước đi trong sự khiêm nhu, tìm kiếm sự phục vụ, tránh những điều gì có thể làm mình có tư tưởng cao quá lẽ (suy nghĩ về mình cao hơn sự thật).

KIÊU NGẠO: BẢN CHẤT CỦA TỘI LỖI

1. Những Biểu Hiện Của Sự Kiêu Ngạo

Những biểu hiện tinh vi của sự kiêu ngạo dễ dàng nhận thấy một khi bạn đã biết chúng. Sau đây là hai hoặc ba biểu hiện đó:
a. “Ta quan trọng hơn.” Đó là suy nghĩ rằng những người khác hoặc những công việc nào đó là “thấp kém hơn so với phẩm giá của bạn” hoặc suy nghĩ bạn quan trọng hơn những người khác bởi vì bạn đang giữ một vai trò lãnh đạo.

b. “Ta muốn được phục vụ.” Đó là chấp nhận sự tôn kính đặc biệt dành cho người lãnh đạo và được những người khác phục vụ thay vì phải phục vụ người khác.

c. “Ta là số một.” Phao-Lô cảnh cáo chúng ta phải từ bỏ những tư tưởng cao quá lẽ” (Rôma 12 : 3). Chúng ta bắt đầu kiêu ngạo khi chúng ta đánh giá mình cao hơn sự thật. Những biểu hiện này và những điểm tương tự cho thấy chúng ta đang phạm một tội vô cùng tinh vi: kiêu ngạo. “Lòng người đã kiêu ngạo vì sự đẹp đẽ ngươi … vì vậy, ta đã xô người xuống …” (Ê-xê-chi-ên 28:17). Ê-va đã sa ngã bởi vì satan đã khơi dậy sự kiêu ngạo trong lòng bà: “… Ngươi sẽ như Đức Chúa Trời …” (Sáng 3:52).

Kiêu ngạo chắc chắn sẽ làm cho chúng ta sa ngã. “Sự kiêu ngạo đi trước, sự bại hoại theo sau, và tánh tự cao đi trước sự sa ngã.” (Châm Ngôn 16:18)

2. Sự Kiêu Ngạo Vô Cùng Nguy Hiểm.

Sự kiêu ngạo vô cùng nguy hiểm bởi vì nó rất tinh vi. Sự kiêu ngạo giống như một hột cỏ lùng ở giữa ruộng lúa; nó sẽ mọc lên và lan ra nếu chúng ta không ngăn chặn kịp thời. Có thể bạn bắt đầu chức vụ như một người lãnh đạo khiêm nhường nhưng khi bạn “tự hào” về sự khiêm nhường của mình, bạn không còn khiêm nhường nữa.

Kiêu ngạo là một kẻ hủy diệt. Đây là lý do tại sao Đức Chúa Trời muốn cho những người mới tin đạo chỉ gánh một phần nhỏ trách nhiệm để người ấy tăng trường mà không bị hủy diệt bởi sự kiêu ngạo. “Người mới tin đạo không được làm giám mục, e người tự kiêu mà sa vào án phạt của ma quỷ chăng.” (Ti-mô-thê 3 : 6).

3. Tránh Xa Cạm Bẫy Của Sự Kiêu Ngạo.

Nếu kiêu ngạo là một kẻ thù vô cùng quỷ quyệt và rất khó phát hiện, thì làm sao chúng ta có thể đề phòng nó? Làm sao chúng ta có thể ngăn ngừa tội lỗi của loài rắn này? Sau đây là một vài bước chúng ta phải noi theo để tránh rơi vào cạm bẫy này:

– Tương Giao Mật Thiết Với Đức Chúa Trời

Duy trì một mối liên hệ mật thiết với Chúa Jêsus qua kỷ luật của sự cầu nguyện, siêng năng đọc Kinh Thánh mỗi ngày và khẳng định rằng mình phải suy ngẫm về những Lời mà Ngài dành cho bạn. Điều này sẽ giữ bạn tập trung vào sự vinh hiển của Ngài và như thế sẽ giúp bạn duy trì một cái nhìn khiêm tốn về tầm quan trọng thật của chính mình.

– Kiêng Ăn Và Cầu Nguyện

Nếu có sự kiêu ngạo trong đời sống bạn, hãy giải quyết nó. Đa-vít nói: “Tôi kiêng ăn ép linh hồn tôi.” (Thi-thiên 35:13)

– Sống Gần Gũi Với Người Khác.

Chức vụ lãnh đạo dễ làm bạn xa cách với những người khác. Kinh Thánh bảo chúng ta phải ” … tiếp tục thông công bởi anh em” (Công vụ 2:42). Luôn luôn duy trì những mối liên hệ thân thiết với những người mà bạn cho phép họ nói thật về đời sống bạn, mà nếu cần có thể là những lời sửa sai. Người lãnh đạo nào không tiếp nhận những lời góp ý chân thật từ những người bạn đáng tin cậy sẽ dễ dàng đánh mất viễn cảnh tương lai của mình và rơi vào sự kiêu ngạo.

Vì Giê-rê-mi đã khẳng định rằng: “lòng người ta là dối trả hơn mọi vật và là rất xấu xa” (Giê-rê-mi 17 : 9), vì sự kiêu ngạo, chắc chắn chúng ta sẽ đi lạc lối nếu không có những sự bảo vệ này.

– Đừng Phấn Đấu Để Đạt Đến Địa Vị.

Thi-thiên 75 : 6 chép: “Sự tôn cao đến từ Đức Giê-h-va,” Đức Chúa Trời sẽ lập bạn làm người lãnh đạo cho dù bạn đang ở trong hoàn cảnh nào. Ngài biết bạn đang ở đâu và sẽ cất nhắc bạn lên theo thời điểm của Ngài (I Phi-e rơ 5 : 1-6).

-Tìm Cách Phục Vụ Người Khác Ngày Càng Hơn

Một người đầy tớ tốt luôn luôn cố gắng làm cho người mình phục vụ thành công. Nếu họ thành công bạn đã thành công. Nếu bạn chỉ tập trung vào sự thành công của chính bạn, sự kiêu ngạo sẽ dễ dàng nhiễm vào bạn (Xem Philip 2 : 4).

Một Chức Vụ Rửa Chân Cho Nhau.

Bất cứ lúc nào một người có bằng cấp hoặc được phong chức vào chức vụ, thì một trong những trách nhiệm hàng đầu người ấy phải thực hiện là rửa chân cho những người mà mình sẽ phục. Bất cứ lúc nào có sự xung đột xảy ra trong Hội Thánh và ban ngành thì chức vụ rửa chân cho nhau là phương thuốc chữa trị tốt nhất, vì chức vụ ấy bẻ gãy sự kiêu ngạo đằng sau các mối bất hòa. Hãy rửa chân cho nhau!

Lời Cầu Nguyện

Lạy Chúa Jêsus yêu dấu, Ngài đã hứa rằng Ngài sẽ hướng dẫn con bước đi trong đường lối ngay thẳng và bảo vệ con khỏi mọi điều ác. Xin biến đổi con trở nên người đầy tớ Chúa muốn. Xin cứu con khỏi tội tham lam và kiêu ngạo. Xin tra xét lòng con và bày tỏ những tội lỗi kín dấu mà con không nhận biết. Xin cho con biết hạ mình sẵn sàng sửa chữa những lỗi lầm mà những người khác chỉ cho con thấy. Xin ban thêm sức để con có thể chịu nỗi sự sửa trị của Ngài. Con cám ơn Ngài đã biến con trở nên một người đầy tớ khiêm nhường như Ngài Amen .

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here