Đức Chúa Trời đang tìm kiếm những con người để lập thành những nhà lãnh đạo. Khi đọc lại lịch sử của tuyển dân Chúa trong Kinh Thánh, chúng ta thấy mỗi giai đoạn khi tuyển dân của Chúa đang bị kẻ thù xâm lấn, hay đang đắm chìm trong tội lỗi thì Đức Chúa Trời lựa chọn và chuẩn bị những người lãnh đạo mới để giải cứu dân sự của Ngài.
Đức Chúa Trời đang cần những con người “đứng vào chỗ sức mẻ” cho Ngài để “xây lại tường thành” (Êxêchiên 22:30), những người biết đường lối và lời của Đức Giê-hô-va nói rằng “nầy là đường đây, hãy noi theo” (Ê-sai 30:21).
A. CHUẨN BỊ CHO CHỨC VỤ
1. Phải Mất Bao Lâu?
Có thể bạn sẽ hỏi: “Nhưng quá trình này sẽ diễn ra bao lâu? Đức Chúa Trời sẽ chuẩn bị tôi thành một người lãnh đạo trong bao lâu?” Sẽ không có một khoảng thời gian được ấn định nào cả. Môi-se được chuẩn bị bốn mươi năm trong đồng vắng qua việc chăn giữ bầy chiên cho ông gia mình là Giê-Trô. Phải mười bốn năm sau khi đầu phục Chúa Jesus Phao Lô mới được sai đi như một người lãnh đạo (Công vụ 13 : 1-3).
Tuy nhiên Phao Lô đã được huấn luyện nhiều năm về Kinh Thánh trước khi ông đầu phục Đấng Christ. Từ những giấc mơ đến khi trở thành quan tể tướng của Ai cập là mười ba năm trong cuộc đời của Giô sép. Hai điều cần phải lưu ý về thời gian mà Đức Chúa Trời sẽ dùng để lập bạn thành một người lãnh đạo:
• Tầm quan trọng và bản chất của chức vụ mà Đức Chúa Trời dự bị cho bạn.
• Cách mà bạn đáp ứng đối với sự chuẩn bị của Ngài.
– Một Người Thợ Hay Một Bác Sĩ?
Đức Chúa Trời muốn hoàn tất ở nơi bạn với mức độ nào và bạn muốn vì Đức Chúa Trời mà đạt được ở mức độ nào thì điều đó sẽ quyết định cường độ huấn luyện của Đức Chúa Trời. Cũng vậy, một người có thể trở thành một thợ máy giỏi với chỉ một vài năm tập luyện, nhưng bạn không thể trở thành một nhà phẫu thuật nếu không trãi qua nhiều năm học hành căng thẳng và một sự chuẩn bị chu đáo.
Nếu bạn muốn được Đức Chúa Trời dùng trong một chức vụ đầy quyền năng và kết quả với những công tác lớn lao thì thời gian chuẩn bị sẽ kéo dài và có nhiều đau đớn. Trách nhiệm của bạn càng lớn lao bao nhiêu, thì sự thử nghiệm của bạn càng nặng nề bấy nhiều.
Phải cần một nhiệt độ cao hơn rất nhiều để làm một chiếc bình bằng vàng đựng sự vinh hiển của Đức Chúa Trời so với một chiếc bình bằng đất đựng những thứ tầm thường.
– Cứng Đầu Hay Vâng Lời?
Yếu tố thứ hai là cách bạn đáp ứng những sự thử luyện của Đức Chúa Trời khi Ngài chuẩn bị bạn. Nếu bạn không sốt sắng làm theo những gì Đức Chúa Trời muốn dạy dỗ bạn, thì thời gian chuẩn bị sẽ kéo dài ra và sự thử nghiệm sẽ nặng nề hơn. Người thợ rèn phải nện những nhát búa mạnh hơn và cần nhiệt độ cao hơn để rèn những kim loại cứng rắn.
Nhưng người thợ bạc chỉ cần một áp lực rất nhỏ để uốn cong thanh vàng mềm mại. Bí quyết là vâng lời và đáp ứng cách mềm mại. Khi Chúa đưa một bài học nào vào đời sống bạn, hãy học tập ngay đừng chống đối hoặc do dự. Đức Chúa Trời sẽ phải dùng những nhát búa mạnh hơn và nhiệt độ nóng hơn nếu bạn chống đối hoặc do dự để Ngài có thể tạo bạn thành một người lãnh đạo.
2. Những Người Bỏ Cuộc Đầy Dẫy
Thật là dạt dột khi nghĩ rằng một khi đã trở thành một người lãnh đạo bạn sẽ không bao giờ có thêm những nhu cầu cho sự tăng trưởng tâm linh. Suy nghĩ như vậy đã làm cho nhiều người sa ngā. Tại sao ngày nay có nhiều người lãnh đạo thất bại trong chức vụ và sa ngã? Tại sao chỉ một số ít được đứng vững và kết quả? Danh sách những người bỏ cuộc trong chức vụ thì rất dài.
Nhiều người đang trong chương trình trang bị của Đức Chúa Trời đã không duy trì được sự kêu gọi của họ. Những người bước vào chức vụ lãnh đạo quan trọng bỏ cuộc nhiều hơn những người đang được trang bị cho chức vụ lãnh đạo. Sứ đồ Phao Lô đã biết trước điều này: ” … rằng khi tôi đã giảng dạy cho kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng” (I Cô-rinh-tô 9:27).
Nhiều người mong mỏi chức vụ lãnh đạo nghĩ rằng “Khi tôi đã có một chỗ đứng trong hàng ngũ lãnh đạo, là tôi đã đến bến và được nghỉ ngơi!” Không đúng như vậy! Khi trở thành một người lãnh đạo, người ấy dễ bị công kích hơn nhiều trước những trận chiến thuộc linh và thất bại bởi sự thăng tiến và tiếng tăm của họ.
3. Giá Phải Trả Rất Cao
Sự chuẩn bị cho chức vụ lãnh đạo bao gồm những thử thách đau đớn và nước mắt (Hê-bơ-rơ 5 : 7,8). Sở dĩ như vậy bởi vì bạn đang được huấn luyện để đứng vững dưới những áp lực khốc liệt xảy đến cho một người lãnh đạo. Chức vụ lãnh đạo Cơ Đốc không phải là một cái gì lãng mạn, nhưng đó là một cuộc chiến.
Bạn đang chiến đấu với Satan và thế gian. Bạn sẽ bị những người thân trong gia đình, bạn bè và những anh em trong Hội Thánh hiểu lầm. Hơn nữa, bạn sẽ bị nhiều người chỉ trích do sự thúc đẩy của lòng ghen ghét hoặc sợ hãi. Hình ảnh Môi-se trong sách Dân Số Ký là một bức tranh chính xác cho những gì liên quan đến người lãnh đạo.
Môi-se phải chịu trách nhiệm cho hơn hai triệu người. Họ là những người lằm bằm, oán trách, phản loạn và muốn thối lui. Họ đã xem thấy những phép lạ nhưng lại càu nhàu, than vãn ngay sau đó. Họ kích động hết những cuộc nổi loạn này đến những cuộc nổi loạn khác.
Ngay cả những anh em của Môi-se cũng chỉ trích và nghi ngờ chức vụ lãnh đạo của ông. Điều kỳ diệu là Đức Chúa Trời đã chuẩn bị Môi-se hơn bốn mươi năm trước khi Ngài lập ông làm người lãnh đạo. Nếu Môi-se không có thời gian bốn mươi năm thử luyện trong đồng vắng với những con chiên ngang bướng của ông gia mình, thì có lẽ ông sẽ không bao giờ trở nên người lãnh đạo lừng danh như ông đã từng có.
Môi-se và Ê-li là hai người đã hiện ra trên núi hóa hình với Chúa Jesus. Điều này giúp chúng ta có thể kết luận rằng Môi-se và Ê-li là hai vị lãnh đạo vĩ đại và quan trọng nhất trong thời Cựu Ước. Mức độ của sự căng thẳng mà một người của Đức Chúa Trời phải chịu đựng trong sự lãnh đạo được minh họa qua cuộc đời của cả Môi-se và Ê-li.
– Môise
Mặc dầu Môi-se đã có tất cả những năm tháng chuẩn bị như vậy, nhưng những áp lực đến với ông thật quá nặng nề đến nỗi ông đã cầu xin Đức Chúa Trời giết ông. Một người sẽ không bao giờ cầu nguyện như vậy trừ khi cuộc đời của ông ta hết sức khốn khổ.
“Môise bèn thưa cùng Đức Giê-hô-va rằng: Sao Ngài làm cho tôi tớ Ngài buồn? Sao tôi chẳng được đi trước mặt Ngài, và sao Ngài lại chất gánh nặng của hết thảy dân sự này trên mình tôi. Tôi há có thọ thai dân này sao? há có sanh đẻ nó sao? mà Ngài lại phán biểu tôi rằng: Hãy ẵm dân này trong lòng người như người cha nuôi bồng ẵm đứa trẻ bú, cho đến xứ Ngài đã thề hứa sẽ ban cho tổ phụ chúng nó. Tôi sẽ có thịt ở đâu đặng phát cho dân sự nầy? Bởi vì họ khóc lóc về tôi mà rằng: Hãy cho chúng tôi thịt ăn. Tôi không thể một mình gánh hết dân sự này vì thật là rất nặng nề cho tôi quá. Nếu Chúa đãi tôi như vậy và nếu tôi được ơn trước mặt Chúa, xin giết tôi đi, để tôi không thấy sự khốn nạn tôi?” (Dân 11 : 11-15).
Chỉ những người ở trong chức vụ lãnh đạo mới biết rằng người lãnh đạo phải đương đầu với nhiều gánh nặng hết sức khó chịu. Môi-se đã thất vọng và ngã lòng trong hoàn cảnh ấy và ông muốn chết.
– Ê-li
Ê-li cũng đã có lúc hết sức ngã lòng trong chức vụ. Điều này xảy ra ngay sau chiến thắng vĩ đại nhất của ông. Ông đã cầu nguyện và Đức Chúa Trời khiến lửa từ trời xuống thiêu đốt của lễ và tiêu diệt bốn trăm tiên tri Ba anh. Mỉa mai thay, những thung lũng tuyệt vọng thường theo sau đỉnh
núi của những kinh nghiệm chiến thắng.
A-háp thuật lại cho Giê-sa-bên mọi điều Ê-li đã làm và người dùng gươm giết hết thảy tiên tri ba anh làm sao. Giê-sa-bên sai một sứ giả đến cùng Ê-li và hăm dọa ông, và ông đã thưa cùng Đức Giê-hô-va rằng: “Ôi Đức Giê-hô-va, đã đủ rồi. Hãy cất lấy mạng sống tôi vì tôi không hơn gì các tổ phụ tôi” (I Các Vua 19 : 1-4).
Chúa đã trả lời cầu nguyện của Ê-li và cất ông lên trời sau lời cầu nguyện này một thời gian sau đó. Theo tôi, đó là sự bày tỏ vĩ đại về tình yêu và sự cảm thông của Đức Chúa Trời đối với những người lãnh đạo của Ngài đến nỗi Ngài tôn trọng Môi-se và Ê-li bằng cách cho phép họ hiện ra với Chúa Jêsus trên núi hóa hình.
Vâng, bạn cần phải trả giá để trở thành một người lãnh đạo. Nếu sự chuẩn bị dường như nặng nề, hãy nhớ rằng: những áp lực đi kèm với chức vụ lãnh đạo sẽ nặng nề hơn sự huấn luyện mà bạn đã được chuẩn bị.